close
Tài liệu hướng dẫn sử dụng
menu_open
Công nghệ số: Cầu nối đưa du khách tới gần với di sản, văn hóa Huế
Xem cỡ chữ:
Việc triển khai các ứng dụng số, không gian số không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn là cầu nối đưa du khách đến gần hơn với các địa điểm di tích, các cổ vật trưng bày ở các bảo tàng, hay các điệu nhạc của Nhã nhạc Cung đình Huế.

Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo XR tại Đại Nội Huế - Ảnh: VGP

"Đi tìm Hoàng cung đã mất"

Đến Đại Nội Huế, chúng tôi còn có cơ hội trải nghiệm thực tế ảo XR được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR, du hành vượt thời gian "Đi tìm Hoàng cung đã mất", do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) triển khai.

Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR là hình thức thực tế ảo mở rộng, dùng kính Nreal Glass (XR) giúp du khách nhận biết các vật thể tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế được tạo nên dựa trên nền tảng máy chủ ảo cá nhân (VPS).

Nhờ đó, khi đến với Đại Nội Huế, chỉ cần đến 1 điểm, tôi vẫn có thể tham quan nhiều di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế như các đền đài, lăng tẩm, các cung vua phủ chúa... triều Nguyễn, thậm chí là cả một số công trình đã không còn nguyên vẹn.

Tính hấp dẫn và mới lạ của loại hình dịch vụ này là tạo ra một thế giới hiện thực ảo và tái hiện một cách đầy đủ, rõ nét, sinh động hình ảnh của các công trình di tích cũng như những câu chuyện văn hóa, lịch sử thú vị của Hoàng cung Huế đến với du khách. Đồng thời, tạo cảm xúc cho du khách bằng cách tái hiện công trình di tích đã mất bằng VR.

Với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, Khu di sản Hoàng cung Huế là đơn vị thứ 3 trên thế giới được thử nghiệm công nghệ hiện đại này. Trải nghiệm thực tế ảo XR giúp du khách có thể ngắm toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt, tự do đi lại trải nghiệm khắp Hoàng cung thông qua không gian ảo máy chạy bộ tại chỗ (Treadmills) và trải nghiệm các loại hình du lịch văn hóa giữa hiện đại và quá khứ ngay trong cung điện (các hình thức trải nghiệm xưa ở trong Hoàng thất, nghi thức liên quan đến âm nhạc, ca múa cung đình…).

Các cổ vật triều Nguyễn đã được định danh số trên không gian mạng - Ảnh: VGP

Định danh cổ vật và triển lãm số

Trong hành trình khám phá di tích Huế, chúng tôi đến thăm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi lưu trữ và trưng bày các bộ sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ nhà Nguyễn.

Tại đây, ngoài việc được xem các cổ vật thật, du khách còn được trải nghiệm không gian số với 10 cổ vật được thí điểm định danh số trên môi trường mạng. Các cổ vật được gắn chip, chỉ cần một thao tác chạm là có thể xem được thông tin cổ vật tại đây, đồng thời thông qua không gian số: https://museehue.vn, có thể xem tường tận các góc cạnh (đã được số hóa 3D) của cổ vật.

Qua tìm hiểu được biết Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tích hợp công nghệ để định danh số cổ vật Triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tiến tới định danh tiếp 98 cổ vật trong năm 2024-2025.

Theo đó, các cổ vật được gắn chip NFC và được định danh duy nhất bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Từ đây, khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.

Các cổ vật được tạo ra một danh tính số duy nhất dựa vào công nghệ Blockchain và RFID. Đồng thời, mỗi cổ vật được gắn trực tiếp chip trải nghiệm NFC/RFID để xác thực danh tính, nguồn gốc và quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn đối với cổ vật.

Thông qua việc quét chip trải nghiệm bằng điện thoại thông minh, khách tham quan có thể truy cập vào trang thông tin số hóa của cổ vật. Việc này giúp lưu giữ và cung cấp chi tiết nội dung và hình ảnh về cổ vật một cách chân thực, để khách tham quan có thể biết được nguồn gốc lịch sử cũng như đặc điểm của cổ vật.

Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai ứng dụng quét mã QR xem thông tin, công nghệ VR 360° một số địa điểm di tích như: Điện Thái Hòa, Văn Miếu, thông tin một số cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Lăng vua Gia Long, Điện Phụng Tiên, Hải Vân Quan (trước dự án trùng tu), Lầu Tàng thơ…

Tại điện Thái Hòa, chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách có thể tham quan điện Thái Hòa bằng công nghệ 3D đa chiều xoay 360°. Hình ảnh điện Thái Hòa hiện ra sắc nét, chi tiết, có giọng đọc giới thiệu thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi điện bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Qua đó mang đến trải nghiệm công nghệ mới và hấp dẫn dành cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về di tích Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Thực hiện Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 Đề án chuyển đổi số Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2022 – 2025, Trung tâm cụ thể hóa những kết quả quan trọng, đang từng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Qua bảng số liệu, chỉ tiêu, có thể thấy, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, các số liệu về doanh thu vé tham quan cũng tăng dần. Việc quản lý tài chính theo thời gian thực được định hình rõ ràng hơn.

Cho tới nay, Trung tâm đã xây dựng hệ thống dữ liệu và kho tri thức số với các dịch vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu, gồm các phân hệ quản lý CSDL các điểm di tích, công trình kiến trúc, hạ tầng, CSDL công tác bảo tồn, trùng tu di tích; xây dựng, cung cấp các dịch vụ du lịch đặc thù, chú trọng các trải nghiệm khách hàng với công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường tại các điểm di tích; phối hợp các bên liên quan trong việc phát huy các giá trị di sản trên các nền tảng số với các ứng dụng Blockchain, AI và dữ liệu đa phương tiện.

Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, cơ chế, nguồn lực; triển khai các giải pháp về cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối, liên thông mạng phục vụ công tác quản lý, liên thông cơ sở dữ liệ; xây dựng Hệ thống dữ liệu và Kho tri thức số của Trung tâm với các dịch vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu; xây dựng các hệ thống thông tin trong quản lý điều hành đưa vào vận hành có hiệu quả; xây dựng các hệ thống dịch vụ số, sản phẩm số, dịch vụ số.

Nhật Anh
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Các bài khác