Mô hình kinh doanh là cách thức một doanh nghiệp tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Mô hình kinh doanh trả lời các câu hỏi về khách hàng của doanh nghiệp là ai, giá trị tạo cho khách hàng là gì và làm thế nào để tạo ra giá trị đó với chi phí hợp lý, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đổi mới công nghệ thường khiến hành vi tiêu dùng thay đổi và dẫn đến những đối thủ cạnh tranh mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hóa hoạt động và tạo ra giá trị mới cho khách hàng.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài ngành, lĩnh vực, từ đó mở rộng không gian hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp cần luôn có ý thức để thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp.
Bán trải nghiệm thay vì bán sản phẩm
Như câu chuyện đã kể ở phần trên, trước đây, người nông dân chỉ đơn giản là bán một nải chuối, hoặc một buồng chuối ở chợ, nơi người bán và người mua trực tiếp gặp nhau. Bằng việc đưa buồng chuối đó lên sàn thương mại điện tử, người nông dân đã cung cấp cho khách hàng một trảinghiệm mới: Có thể mua được nải chuối mà không phải tới bất cứ chợ nào cả. Bằng việc gắn cảm biến Internet vạn vật, camera giám sát tại cây chuối từ khi còn bé, người nông dân có thể bán cả một cây chuối, cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mới: Được tự mình theo dõi, thậm chí tự mình đưa ra công thức chăm sóc cây chuối từ lúc nó còn bé cho đến lúc thu hoạch buồng chuối mà không cần có một mảnh vườn nào cả.
Các mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện với những cách thức tư duy mới. Công nghệ số không hoàn toàn là mối đe dọa với những doanh nghiệp truyền thống mà còn đem lại cơ hội chưa từng có cho những doanh nghiệp dám tư duy lại hướng kinh doanh của mình.
Chuyển đổi số doanh nghiệp truyền thống
Xuất phát điểm là doanh nghiệp công nghiệp truyền thống sản xuất đèn điện và phích nước, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, từ năm 2016, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi toàn diện mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh và hợp tác với đối tác để thích ứng với thời đại số. Đến nay, sản phẩm của Rạng Đông đã xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển G7, G20. Rạng Đông đã xây dựng chiến lược sản phẩm, tập trung phát triển các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Thay vì sản xuất và bán các sản phẩm bóng đèn riêng lẻ, Rạng Đông đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ LED 4.0, trong đó ứng dụng công nghệ IoT vào phát triển giải pháp chiếu sáng thông minh, điều khiển từ xa qua nền tảng điện toán đám mây và thân thiện với môi trường. Hệ sinh thái LED 4.0 của Rạng Đông ngày càng được mở rộng với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, các đối tác, doanh nghiệp công nghệ trong nước (như Viettel, VNPT, FPT, CMC) và ngoài nước đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, hình thành hệ sinh thái mở và phát triển bền vững. Giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến kinh tế suy thoái, nhưng doanh thu năm 2020 của Rạng Đông vẫn đạt tăng trưởng tới 15,6% so với năm 2019.