Điểm thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang
Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt là giảm thời gian chờ và hạn chế rủi ro. Thay vì xếp hàng đến lượt thanh toán thì sau khi có thông tin về viện phí, bệnh nhân chỉ cần thao tác thanh toán bằng ví điện tử trên Hue-S là nhanh chóng hoàn thiện thủ tục. Với những lợi ích đó, thời gian qua các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng ví điện tử trên Hue-S đối với các dịch vụ y tế.
Nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán viện phí, chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt, Sở Y tế cho biết, đến nay đã có 19/19 cơ sở y tế trên toàn tỉnh chấp nhận thanh toán bằng Ví điện tử trên Hue-S, bao gồm: Trung tâm Y tế huyện A Lưới, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế, Bệnh viện Tâm Thần Huế, Bệnh viện Đa khoa Bình Điền, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Mắt Huế, Bệnh viện giao thông vận tải Huế, Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phong và Da liễu, Phòng bảo vệ sức khỏe cán bộ, Trung tâm Y tế Thành phố Huế, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền, Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, Trung tâm Y tế huyện Nam Đông, Trung tâm Y tế Thị xã Hương Trà và Trung tâm Y tế Thị xã Hương Thủy.
Tại các TTYT này, hệ sinh thái phục vụ cho thanh toán bằng ví điện tử trên Hue-S đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Theo đó, người dân đến khám chữa bệnh tại các đơn vị này có thể sử dụng ví điện tử trên Hue-S thanh toán viện phí, chi phí khám chữa bệnh với điều kiện điện thoại có cài đặt ứng dụng Hue-S.
Từ nay, người dân có thể sử dụng Ví điện tử trên Hue-S để thanh toán viện phí, chi phí khám chữa bệnh tại 3 cơ sở y tế này mà không cần xếp hàng chờ đợi. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Hue-S, việc thanh toán khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế giờ đây đã có thể thực hiện trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người dân mà cả nhân lực của các bệnh viện, phòng khám.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh, ngành y tế đã tập trung triển khai các giải pháp thực hiện. Đồng thời quá trình thực hiện sẽ tập trung tháo gỡ một số khó khăn như: Hướng dẫn, khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt; liên kết, tích hợp phần mềm quản lý bệnh viện với nội dung thanh toán để giảm thao tác thủ công; nghiên cứu, đề xuất kết cấu phí giao dịch trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Theo đó, ngành Y tế đã tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến “Triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt” cho lãnh đạo và chuyên viên các phòng của Sở Y tế; lãnh đạo, bộ phận kế toán, cán bộ công nghệ thông tin của TTYT 9 huyện/thị xã/thành phố, 9 BV Đa khoa/Chuyên khoa tuyến tỉnh, Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bước đầu ở một số lĩnh vực, quy trình giao dịch thanh toán nội bộ tại đơn vị đã thực hiện tốt. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tích hợp thành công giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt lên nền tảng Hue-S, Sở Y tế phối hợp với Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh, Trung tâm Thanh toán trực tuyến của nhà Viễn thông FPT và Hội Phản ứng nhanh (PUN75) tỉnh triển khai giải pháp thanh toán viện phí qua Hue-S tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Với quyết tâm cao của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số, Sở Y tế đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, tăng tỷ lệ người dân tiếp cận với ứng dụng này. Chung tay thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng xã hội như facebook, zalo... Bố trí cán bộ chuyên trách hướng dẫn người bệnh và người nhà của họ sử dụng dịch vụ, trước mắt sẽ hướng đến nhóm bệnh nhân là người trẻ, có tài khoản ngân hàng và am hiểu về công nghệ thông tin.
Việc thanh toán khám chữa bệnh không dùng tiền mặt góp phần giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và nhân lực cho ngành y. Thanh toán trực tuyến ở các cơ sở y tế còn góp phần đẩy mạnh quá trình số hóa, tăng tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tải cho quá trình thanh toán.